Đó là buổi chiều tươi sáng nhất tôi từng thấy, có lẽ vậy, dù hôm đó trời đổ mưa ầm ầm. Hóa ra, tôi không bị “bỏ rơi” hay “kì thị”..... Truyện Ngắn Yêu Thương Khác Biệt | Hoa Học Trò Số Mới Nhất | Hoa Học Trò Số 1180
Là anh em sinh đôi nhưng tính cách của hai anh em tôi lại vô cùng khác biệt. Tôi hiếu động, học hành làng nhàng, chỉ mê truyện tranh với chiến game trong khi ông anh tôi thì hiền như cục bột, chưa kì nào rớt khỏi Top 5 học sinh giỏi của trường và tối ngày chỉ mê đọc sách. Học cùng lớp nhưng trong bảng thành tích học tập, tên ông anh tôi lúc nào cũng nằm chễm chệ đầu danh sách, còn tên tôi luôn nằm trong Top chốt danh sách. Hiển nhiên, tôi luôn là thằng nhóc bị ba mẹ và thầy cô rầy la nhiều nhất, còn ông anh tôi thì lúc nào cũng được cưng như trứng mỏng, dù là ở nhà hay ở trường. Tôi chẳng mảy may tủi thân hay buồn bã. Vì bù lại, tôi có rất nhiều bạn. Tụi bạn khoái chơi với tôi. Nhưng hễ ghé nhà tôi chơi mà chạm mặt ông anh tôi, tụi nó lập tức “de” xa cả trăm mét. Tụi nó nói anh tui nghiêm túc, khó gần, và nhìn dị dị thế nào ấy. Tôi chỉ biết cười trừ rồi giải thích ngắn gọn vói tụi nó rằng, ông anh tôi thuộc về một thế giới hoàn toàn khác so với thế giới của bọn tôi.
Hai anh em tôi ở chung phòng. Đồ đạc hai đứa được để trong tủ riêng. Tủ đồ của ông anh tôi chật ních toàn sách là sách. Còn tủ đồ của tôi thì ngập đồ chơi và... rác. Tôi ăn snack rồi tiện tay lẳng luôn vỏ vô trỏng. Mỗi lần vô phòng, nhìn thấy tủ đồ bề bộn của tôi, mẹ lại la ời ời rồi kêu tôi dọn dẹp chứ mẹ còn chẳng dám rớ vô mớ lộn xộn đó. Ấy vậy mà ông anh tôi chưa một lần càm ràm khi bước vào căn phòng vói một góc ngập chìm trong rác. Ông anh tuyệt đối tôn trọng không gian riêng lẫn đồ dùng cá nhân của tôi. Có những ngày nghỉ, thấy tôi nằm dài hết đọc truyện tranh rồi lại chơi game, ông anh chỉ liếc mắt ngó ngang chứ không bao giờ lên giọng dạy bảo kiểu “Lo học đi! Coi chừng năm sau lưu ban đó”. Bạn bè tôi nói “Chắc anh mày quá bất lực với mày rồi” hoặc “Ông ấy chẳng thèm quan tâm gì tới một thằng em “lạc loài”, tuyệt nhiên không được thừa huởng chút gì từ ông anh ưu tú”. Tôi cười hề hề cho qua, nhưng trong lòng cũng cảm thấy khó chịu. Đúng là anh em tôi ít nói chuyện và anh tôi ít khi nào nhắc nhở hay kèm cặp tôi chuyện học hành. Trước nay tôi cứ nghĩ đó là do tính cách hai anh em quá khác biệt, nhưng có lẽ không hẳn là như thế. Và tôi bắt đầu để ý tới thái độ lẫn cử chỉ của ông anh để tự tìm ra câu trả lời, thay vì ngồi suy đoán trong ấm úc.
Buổi tối, sau bữa ăn, bọn tôi thường về phòng để ai làm việc nấy. Tôi dẹp cuốn truyện tranh qua một bên, giả bộ than dạo này thầy cô giao bài tập về nhà nhiều quá, mà toàn là bài khó, tôi làm hoài không xong. Ông anh tôi hừ mũi: “Vậy bài nào khó cứ để đó, nói với thầy là bài quá sức em, em không làm được”. “Thế lỡ thầy nói sao em không đem bài hỏi anh thì em sẽ trả lời thế nào?”. “Mày cứ nói anh em không giúp. Anh muốn em tự làm. Mà thực ra, bài nào vừa sức thì làm. Mày không việc gì phải cố!”. Ông anh vừa dứt lời, tôi chợt thấy có gì đó nghèn nghẹn ở cổ. Tụi bạn nói quả không sai. Là tôi bị “bỏ rơi” chứ không phải được “tôn trọng”.
Trên trường, ông anh tôi cũng có một hội bạn riêng, toàn những thành phần ưu tú nằm trong đội tuyển học sinh giỏi. Hôm đó là một trong những ngày hiếm hoi anh tôi dẫn bạn về nhà chơi. Gọi là “chơi” chứ thực ra tôi thấy cả hội cứ chúi mũi vào đọc sách hoặc thảo luận mấy đề thi học sinh giỏi thành phố từ vài năm về trước. Dù học cùng khối nhưng theo phép lịch sự, tôi vẫn gọi bạn anh là “anh”. Tôi vừa quay gót, một nguời trong nhóm buột miệng hỏi: “Em mày đây à? Sao nó không giống mày xíu nào vậy? Nghe nói nó quậy lắm phải không?”. Tôi vừa quê vừa bực, toan dợm bước đi thì chợt nghe ông anh tôi lên tiếng: “Ừ, em tao đó. Nó mê game với truyện tranh hơn mê học. Ba mẹ tao rồi thầy cô cứ rầy la hoài nhưng tao thấy nó bình thường mà, chẳng qua là nó chưa tìm được thứ mà nó thực sự thích. Với lại, đâu phải cứ học giỏi mới là ngon. Tao học vì tao thấy thích, chứ nếu không thích như nó, đợi đó, còn khuya tao mới học”. Đám bạn cười ồ. Rồi có người lại hỏi: “Chứ không phải nó học ngu nên nó mới không thích hả?”. Tôi dừng hẳn chân nghe ngóng. Một khoảng im lặng thiệt đáng sợ. Sau đó, ông anh tôi bất ngờ lên tiếng, rành rọt và dứt khoát: “Đứa nào vừa nói em tao ngu? Nói lại coi!”. Không có ai đáp lại cả. Nghe chừng vẫn chưa thỏa mãn, ông anh tôi lại gằn giọng: “Giải tán! Từ nay đừng có ai động đến em tao nghe! Lần này tao cho qua, nhưng lần sau tao không dám chắc”.
Đó là buổi chiều tươi sáng nhất tôi từng thấy, có lẽ vậy, dù hôm đó trời đổ mưa ầm ầm. Hóa ra, tôi không bị “bỏ rơi” hay “kì thị”. Ông anh vẫn lặng lẽ quan tâm tới tôi nhưng theo một cách khác mà nếu không có sự cố vừa xảy ra, có lẽ tôi không bao giờ có thể biết được. Tôi chợt nhớ có một lần tôi đã hỏi ông anh mình, rằng có bao giờ ổng cảm thấy ghen tị với “gia tài” bạn bè đồ sộ của tôi không, ông anh bèn trả lời bằng một câu hỏi khác: “Thế mày có bao giờ ghen tị với thành tích học tập chói lóa của anh mày không?”. Khi tôi trả lời là “Không” thì ông anh tôi mới gật gù: “Đó. Làm được điều mình thích thì chẳng bao giờ phải mất công đi ghen tị với ai cả. Đơn giản vậy thôi!”.
Tôi chợt nhận ra, sự quan tâm ông anh sinh đôi dành cho tôi cũng giản đơn và dễ thương hệt như vậy.
LỤC BẢO
COMMENTS